Kinh tế - xã hội Tiểu Cần

Kinh tế

Tiểu Cần là huyện thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đang phát triển, tuy nhiên tốc độ còn chậm. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm vai trò chủ đạo, nuôi trồng thủy sản đang phát triển dự trên nguồn lợi từ sông Hậu.

Theo thông tin từ Trang tin huyện Tiểu Cần, năm 2007, hoạt động kinh tế của huyện đạt được một số kết quả như sau:

  • Nông nghiệp: tổng diện tích gieo trồng được 43.199 ha, sản lượng đạt 180.872 tấn; trong đó: cây lúa gieo xạ được 38.439 ha, cây màu gieo trồng được 12.872 ha, còn lại là các loại cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. Đàn heo của huyện có 81.120 con, đàn bò có số lượng 15.634 con, đàn trâu có 117 con trâu, đàn gia cầm có số lượng 580.000. Tính đến cuối năm 2007, toàn huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.193,83 ha cá tôm các loại, với sản lượng thu hoạch đạt 15.285 tấn tôm, cá.
  • Công nghiệp - Xây dựng: toàn huyện có 651 cơ sở sản xuất. Giá trị sản xuất thực hiện đạt 188,700 tỷ đồng. Trong năm, huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đến đầu tư như: Công ty TNHH giày da Mỹ Phong của Đài Loan, Công ty Trà Bắc…Nhìn chung, tuy có khó khăn về giá nguyên vật liệu và đầu ra của sản phẩm, nhưng giá trị sản xuất thực hiện vượt kế hoạch, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm mới hình thành như: giày da, thức ăn gia súc…, chế biến các sản phẩm từ cây dừa có cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp; nhiều sản phẩm khác đạt mức tăng trưởng khá như: chế biến thực phẩm, xay xát lương thực…
  • Thương mại – Dịch vụ: giá trị cả năm đạt khoảng 350.5 tỷ đồng, tăng 14,54% so với năm trước. Trong năm, huyện đã đưa vào sử dụng một số chợ tại các địa phương như: xã Hiếu Trung, xã Hùng Hoà, xã Tân Hoà; đã xây dựng mới và nâng cấp các chợ: xã Ngãi Hùng, mở rộng sân chợ xã Tân Hùng, ấp Lò Ngò (Hiếu Tử), ấp Cây Ổi (xã Tập Ngãi), xây dựng mới chợ xã Long Thới, nâng cấp sửa chữa chợ Tiểu Cần,… Đặc biệt ở các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp mới hình thành đã phát triển thêm một số hộ dịch vụ. Trong năm, huyện cũng đã cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho 143 cơ sở, nâng tổng số có 1.079 hộ, với tổng vốn đầu tư trên 35,056 tỷ đồng.

Năm 2009, kinh tế huyện có bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực:

  • Nông nghiệp: cùng với việc ứng dụng cơ giới hoá, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống mới trong sản xuất làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; ngăn chặn được sự gây hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Nhờ đó đã góp phần nâng tổng sản lượng lúa thương phẩm của huyện trong năm lên hơn 202.390 tấn, vượt 1,47% so với chỉ tiêu. Riêng phong trào đưa cây màu xuống chân ruộng cũng được bà con quan tâm mở rộng diện tích từ 3.200 ha năm 2008 lên 3.770 ha năm 2009. Lĩnh vực nuôi thủy sản nước ngọt cũng có chiều hướng phát triển bền vững hơn. Tuy, diện tích thả nuôi thủy sản chỉ đạt khoảng 1.020 ha mặt nước ao hồ nhưng sản lượng tôm, cá thương phẩm sau thu hoạch đạt hơn 18.050 tấn. Trong đó có hơn 3.760 tấn cá tra xuất khẩu. Nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả cao như: mô hình nuôi lươn; nuôi ba ba, cá lóc đồng, tôm càng xanh toàn đực của nhiều hộ dân ở các xã Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Phú Cần và thị trấn Tiểu Cần.
  • Công nghiệp - Xây dựng: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Tiểu Cần trong năm 2009 đạt hơn 301 tỷ đồng, vượt 18,71% so với cùng kỳ năm 2008. Các sản phẩm có doanh thu tăng mạnh nhất là: sản xuất giày da, nước đá, nước lọc tinh khiết; chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản; sơ chế thủy sản thương phẩm,....
  • Thương mại - Dịch vụ: giá trị khoảng 605 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với năm 2008.

Xã hội

Cùng với các thành tựu kinh tế, năm 2007, Tiểu Cần cũng tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội với tổng số vốn khoảng 104 tỷ đồng. Các công trình được huyện đầu tư xây dựng như: sân đường, hệ thống thoát nước, nhà làm việc khối vận; trạm y tế Phú Cần; sân đường trạm y tế Hiếu Tử; nâng cấp sửa chữa bệnh viện huyện; xây dựng 03 phòng học và nhà vệ sinh Trường Tiểu học (Hiếu Tử A và Hiếu Tử C); xây dựng 10 phòng học xã Long Thới; 02 phòng học Trường Mẫu giáo xã Tân Hoà; xây dựng 03 phòng học và nhà vệ sinh Trường Tiểu học xã Ngãi Hùng; xây dựng Trụ sở Nhà làm việc Đảng ủy xã Hiếu Tử; Trụ sở làm việc công an, quân sự xã Hiếu Tử và xã Tân Hùng; xây dựng Đài truyền thanh huyện; khởi công xây dựng 10 phòng học Trung tâm giáo dục thường xuyên......và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác.

Năm 2009, huyện đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp được 75 công trình cầu, đường giao thông với chiều dài hơn 49.400 m. Trong đó, có 03 cầu vĩnh cửu trên quốc lộ 60; quốc lộ 54 cùng với 11 công trình lộ tải láng nhựa liên xã, liên khu dân cư dài hơn 36 km đã góp phần đánh thức được tiềm năng kinh tế ở nhiều địa phương. Riêng mạng lưới trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, chợ nông thôn cũng được quan tâm đầu tư xây dựng kịp thời theo nhu cầu phát triển của xã hội và nguyện vọng của nhân dân. Ước tính tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Tiểu Cần trong năm 2009 đạt hơn 475 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện hiện nay bao gồm:

  • Đường bộ: Tổng chiều dài các tuyến đường bộ trong huyện là 346,157 km, bao gồm: 34 km đường quốc lộ (quốc lộ 54 và 60), 9 km đường Tỉnh lộ, 25,97 km đường hương lộ, 274,23 km đường đal liên xã, ấp và đang thi công 2,957 km đường tránh quốc lộ 60.
  • Đường thủy: hệ thống kênh rạch của huyện Tiểu Cần chằng chịt, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách nội huyện cũng như với bên ngoài. Sông cặp sông Hậu chạy dài đến An Quảng Hữu trên dưới 15 km có thể lưu thông hàng hóa được từ 1.000 tấn trở lên, sông Cần Chông dài 18 km có thể lưu thông hàng hóa khoảng 500 tấn, đồng thời huyện đang xây dựng phà Cầu Quan (Tiểu Cần) - Đại Ngãi (Sóc Trăng) thuộc quốc lộ 60.